Một đề tài giàu ý tưởng nhân văn và thiết thực trong đời sống

(Thứ Sáu, 06/07/2012-3:13 PM)

(Trích phát biểu của Nhà báo Kim Quốc Hoa, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Người cao tuổi tại Hội nghị Thẩm định đề tài "Nghiên cứu thành phần hóa học và hoạt tính sinh học của cây Lược vàng" tại Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam ngày 28-5-2012).

Với tư cách là một nhà báo, thay mặt Báo Người cao tuổi (Hội Người cao tuổi Việt Nam), tôi cảm ơn lãnh đạo Viện, đặc biệt biết ơn sâu sắc Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu đã quan tâm đến một việc cao cả và ý tưởng rất nhân văn này.


Sau đây, cho phép tôi được phản ánh về một trào lưu khá sôi động đối với tầng lớp người cao tuổi hiện nay đang trồng, khai thác, chế biến sử dụng cây Lược vàng theo cách dân gian, tự phát mà suốt mấy thập kỉ qua, chưa có cây dược liệu nào lại được quan tâm đặc biệt đến thế.

Từ cuối năm 2007, cùng với nhiều cơ quan báo chí khác, Báo Người cao tuổi đăng nhiều bài nói về tác dụng chữa bệnh của cây Lược vàng, trong đó nổi bật là Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật thành phố Thanh Hóa thuộc Câu lạc bộ Hàm Rồng, ứng dụng cây Lược vàng vào việc chữa bệnh có hiệu quả thì nhiều địa phương, nhiều gia đình phát triển trồng cây này. Thời điểm đó, nhiều người phải mua với giá từ 40.000 đồng đến 70.000 đồng một cây giống. Bỗng nhiên, thời gian sau cũng trên báo chí công bố Tiến sĩ Trịnh Thị Điệp làm thí nghiệm chết chuột do tiêm dung dịch độc tố chiết xuất từ Lược vàng thì người ta bảo nhau phá tan hoang không thương tiếc cây Lược vàng. Chỉ một số người rất tiếc vẫn giữ lại để nghe ngóng, chờ đợi.

Báo Người cao tuổi không từ bỏ ý định phải tiếp tục phổ cập giá trị của cây Lược vàng. Một số bạn đọc đến Tòa soạn cung cấp thông tin về tác dụng chữa bệnh bất ngờ của cây Lược vàng mà trong thực tế các cụ khỏi nhiều bệnh lại không có phản ứng phụ. Với hàng loạt nhân chứng sống là người thực, việc thực trong cộng đồng dân cư, chúng tôi thấy cần thiết phải tiếp tục tuyên truyền những kết quả trong dân gian để ai có nhu cầu thiết thực cứ mạnh dạn áp dụng. Từ đó đến nay, gần 5 năm qua, Báo Người cao tuổi liên tục đăng tải những bài viết mang thông điệp dưới dạng thư bạn đọc.

Với khoảng gần 600 người viết thư và tin, bài cho báo nói về tác dụng chữa bệnh của cây Lược vàng, Báo Người cao tuổi đã đăng gần 250 bài, tin của các nhân chứng sống. Họ đã sử dụng cây Lược vàng bằng các phương pháp hết sức đơn giản, dân dã:

- Nhai lá, nuốt cả nước lẫn bã;

- Giã nát để đắp vết thương, xoa bóp, dịt băng cầm máu, làm tan máu tụ, bầm tím;

- Dùng lá, thân cây, tay vòi và gốc rễ ngâm rượu trắng;

- Phơi khô lá và cuộng pha nước sôi, nấu nước uống như uống nước chè;

- Nấu thành canh rau trong bữa ăn;

- Nấu cao, sau đó pha loãng uống, bôi ngoài da;

- Xay thành nước sinh tố (pha thêm đường, sữa, mật ong) uống.

Bằng các phương pháp dân gian, tự phát ấy, thực tiễn sinh động như mách bảo người dân nghèo lựa chọn theo phương châm "tự làm bác sĩ" (chuyên mục do Báo Người cao tuổi đặt cho trang Chăm sóc sức khỏe). Bà con đã không hài lòng với kết quả thí nghiệm chết chuột, thôi thúc chúng tôi (Báo Người cao tuổi) vào cuộc, tiếp tục tuyên truyền về cây Lược vàng, đưa thông tin khách quan từ bạn đọc phải là người thật việc thật, người có bệnh thật, sử dụng Lược vàng thật, khỏi bệnh (hoặc giảm nhẹ) bệnh thật, có địa chỉ thật rõ ràng, số điện thoại thật của cá nhân để kiểm chứng, xác minh.

Quả nhiên, đối tượng chủ yếu sử dụng cây Lược vàng để chữa bệnh (hầu hết là người cao tuổi vốn có nhiều bệnh mạn tính) sau đó mới ứng dụng rộng rãi trong gia đình, trong địa phương. Theo sách "Cây Lược vàng chống lại 100 bệnh" của A-lếch-xăng-đơ-rơ Cô-rơ-đét-xki (Nga) xuất bản năm 2004 nói cây Lược vàng với nhiều hoạt tính sinh học độc đáo trở thành "Thần dược", được mệnh danh là "Thầy thuốc trứ danh". Còn qua thực tiễn ở Việt Nam chưa thống kê được, nhưng chúng tôi cho rằng phải có đến hàng triệu người đã trồng, sử dụng Lược vàng vào việc chữa bệnh, làm cây cảnh trong gia đình, cộng đồng khu dân cư với sự kì diệu của nó về khả năng chống ô-xi hóa và miễn dịch.

Qua thư bạn đọc, các loại bệnh mà người nghèo đã dùng cây Lược vàng để chữa khỏi (hoặc giảm nhẹ) là viêm răng lợi, sâu răng, viêm họng, viêm mũi dị ứng, viêm xoang, ho, cảm cúm, viêm phế quản, hen, viêm tai giữa, thối tai, băng huyết, cầm máu vết thương, bỏng, đau đầu mất ngủ, viêm bờ mi mắt, đau mắt đỏ, đục thủy tinh thể, nấm da, vẩy nến toàn thân, ghẻ, nước ăn chân, ếch-dê-ma, mẩn ngứa, zô-na, hạch mu bàn chân, tổ đỉa, mụn cóc, hóc xương, đau bụng, đi ngoài, đau dạ dày, hành tá tràng, đại tràng, trĩ nội, trĩ ngoại, táo bón, sỏi mật, đau lưng, đau vai, thần kinh tọa, thoái hóa đốt sống cổ, gout, thấp khớp, thoát vị đĩa đệm, viêm cột sống, hẹp động mạch vành, rối loạn tiền đình, loạn nhịp tim, tai biến mạch máu não, đái buốt, tiền liệt tuyến, u xơ tiền liệt tuyến, đái đêm nhiều, sỏi thận, ung thư vòm họng, ung thư vú, ung thư lá lách, ung thư dạ dày, ong đốt và bọ cạp cắn đã hôn mê, chó cắn, v.v... Ngoài ra, nhiều người còn dùng Lược vàng chữa bệnh, dịch cho trâu, bò, chó, lợn, gà, vịt, chim cảnh có kết quả tốt. Có người dùng làm sạch dầu mỡ, tẩy vết bẩn trên bề mặt da v.v...

Những bệnh trên đây hoàn toàn do bạn đọc thông báo. Trong rất nhiều trường hợp, chúng tôi kiểm tra lại hoặc có thầy thuốc như GS.TS Hoàng Tích Huyền (Đại học Y Hà Nội) trực tiếp đi kiểm chứng, thừa nhận đúng như vậy, thậm chí nhiều kết quả bất ngờ, người bệnh chưa diễn tả đầy đủ, cụ thể hết được.

Những kết quả trong thực tiễn trên đây chắc chắn góp phần đáng kể giảm tải cho các bệnh viện, người bệnh chi phí không đáng kể mà vẫn bảo đảm an toàn, an sinh xã hội.

Cũng trong nhiều thư gửi về, nhiều người cho biết dùng Lược vàng cùng đồng thời trong một thời gian khỏi 3, 4, 5 loại bệnh mạn tính (viêm họng, răng lợi, dạ dày, táo bón, tiểu đêm, v.v...) và nhiều gia đình, mọi thành viên đều ăn lá Lược vàng mà chưa có trường hợp nào thông tin có tác dụng phụ.

Đọc loạt bài đăng trên báo, người thiếu niềm tin cảm thấy chuyện như bịa, sao có thể kì diệu đến thế, lạ lùng đến thế nhưng xin thưa đó là sự thật, thật như đếm của những người bệnh phản ánh trung thực, khách quan vì qua xác minh, qua chứng nhận của bác sĩ trong những trường hợp xét nghiệm lại đều minh chứng cho hiện thực sinh động đó.

Rõ ràng, cây Lược vàng có sức sống kì diệu, tác nhân kì diệu và rất lạ. Chắc chắn, Lược vàng có những thành phần hóa học và hoạt tính sinh học, kháng sinh đặc biệt, có khả năng thích ứng với cơ địa của mọi người. Một số người Việt ở Nga về nước cho biết, bên ấy có nhiều loại dược phẩm sản xuất từ cây Lược vàng bán rộng rãi, nhất là dạng kem bôi ngoài da.

Ở ta, cũng đã có những nhóm nghiên cứu cây Lược vàng như Viện Dược liệu (Bộ Y tế), Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học Y khoa, Hội Liên hiệp Khoa học Kĩ thuật Thanh Hóa và CLB Hàm Rồng, Đại học Y Thái Nguyên, v.v...

Về trồng đại trà đã có Công ty Cổ phần Đông dược Hải Thượng (Bắc Giang) do bà Thân Thị Minh Hạnh làm Giám đốc, đã trồng tới 2,5 ha ở xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên từ 5-6 năm nay, một sào Bắc Bộ đạt 1.200 kg tươi, một năm thu 100 triệu đồng/sào. Công ty còn giao cho nhiều hộ gia đình trồng hái và Công ty đứng ra thu mua.

Báo Người cao tuổi cũng nhận được nhiều thư kiến nghị của bạn đọc, có cụ trách cứ Bộ Y tế và các nhà khoa học đứng ngoài cuộc. Có thư yêu cầu Tổng Biên tập phải làm việc với Bộ Y tế để đề xuất nghiên cứu về cây Lược vàng.

Ông Nguyễn Hiền Nhân ở Hà Nội viết: "Đã đến lúc nhân dân mong Bộ Y tế và Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam "thực sự vì dân", huy động những nhà khoa học như Sinh hóa, Dược học, Y học Cổ truyền, v.v... cùng lực lượng khác nghiên cứu các đề tài nhánh của đề tài tổng hợp toàn diện về cây Lược vàng, giúp nhân dân cùng tham gia thể nghiệm trên "đám đông" hiếm có, với tinh thần tự nguyện cao, ít tốn kém mà Báo Người cao tuổi đang làm "như một đề tài quốc gia"" với sự tham gia của nhân dân. Từ đó, mở ra giai đoạn mới "các nhà khoa học cùng với nhân dân" để thực sự vì dân, nhất là dành cho người nghèo”.

Ông Nguyễn Đức Thuần, nhà giáo nghỉ hưu ở 18T1/1705 khu Đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính, Hà Nội viết: "Thực tiễn cuộc chiến chống chọi với bệnh tật để giành lấy sự sống bình yên cho mỗi thành viên trong cộng đồng và mách bảo người dân” “Phải tự cứu lấy mình trước khi trời cứu”; Hãy "tự làm bác sĩ". Họ không còn thời gian để chờ đến khi công bố kết quả nghiên cứu về hiệu quả trị bệnh của ngành y, rồi mới sử dụng Lược vàng chữa bệnh, người dân tự chữa bệnh bằng thảo dược Lược vàng theo quy luật sinh tồn rất tự nhiên và cũng là truyền thống của dân tộc ta "Nam dược trị Nam nhân".

Ông Phan Xuân Dân ở xã Hòa Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An viết: "Xưa nay thực tiễn vẫn là chân lí, là trọng tài, sáng suốt để kiểm chứng mọi công trình nghiên cứu. Cả nước ta đang có hàng vạn, hàng vạn người trồng và sử dụng cây Lược vàng để làm thuốc. Trong lúc chờ đợi kết quả nghiên cứu, theo tôi người già có thể hoàn toàn yên tâm dùng Lược vàng chữa bệnh theo kinh nghiệm của rất nhiều người sử dụng đã tự chữa khỏi bệnh".

Cụ Nguyễn Văn Tiên, ở TK 3, thị trấn Yên Châu, Sơn La viết: "Báo Người cao tuổi ngày 3-3-3012 có đăng tải bài Thường trực Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam có văn bản gửi Giáo sư Châu Văn Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đề nghị nghiên cứu cây Lược vàng mà Báo Người cao tuổi và ông Tổng Biên tập đã dày công sưu tập, tôi rất mừng. Tôi xúc động, tin tưởng và mong đợi một ngày sớm nhất công trình nghiên cứu thành công cây Lược vàng thực sự quý hơn vàng và trở thành người bạn thân thiết của người nghèo".

Báo Người cao tuổi, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam kính mong Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam kết hợp với ngành Y tế, tổ chức triển khai thành công đề tài "Nghiên cứu thành phần hóa học và hoạt tính sinh học của cây Lược vàng"

Nguồn: http://nguoicaotuoi.org.vn/Story.aspx?lang=vn&zoneparent=0&zone=6&ID=8032





Nhận xét

Bài được nhiều người đọc

Dùng Lược vàng chữa khỏi viêm họng mạn tính và đau nhức chân răng

Cây Lược vàng chữa viêm xoang và viêm đại tràng mạn

Lược vàng chữa bệnh ngoài da và dập, gãy xương gà