Dùng lược vàng liều lượng cực kì lớn mới có thể gây ngộ độc

Tôi là cán bộ về hưu đã trồng và sử dụng có hiệu quả cây lược vàng. Những ngày gần đây, báo chí phản ánh về cây lược vàng gây chết chuột qua thí nghiệm.

Rất nhiều gia đình trồng cây lược vàng.


Báo Người cao tuổi đã đăng nhiều bài về cây lược vàng: Lược vàng có phải “thần dược”? của Trịnh Tố Long; Về “thần dược” cây lược vàng ở Thanh Hóa của Khương Bá Tuân; Cây lược vàng vị thuốc “thần tiên” của Đinh Quốc Linh; Cây lược vàng dễ trồng tiết kiệm và Cây lược vàng chế biến và công dụng của Kông Thức; Cây lược vàng ở Bắc Giang của Thân Pha...

Bài báo tôi viết có ghi cả số điện thoại di động. Nên nhiều người từ trẻ đến già, từ Nam chí Bắc điện hỏi tôi để mua giống cây lược vàng.

Tôi trả lời: “Tôi chỉ trồng mấy cây để làm cảnh và tự chữa bệnh thông thường cho mình như tiêu chảy, viêm họng, đứt chân đứt tay. Còn ai muốn mua giống hoặc mua lượng lớn thì đến Công ty Cổ phần đông dược Hải Thương (Bắc Giang) sẽ có hàng nghìn cây giống, hàng tấn sản phẩm cây lược vàng tươi và trà lược vàng, rượu lược vàng...”. Giống cây lược vàng ở đây là do Viện sĩ Viện Hàn lâm y học châu Âu Thân Đức Tài, mang từ Mê-hi-cô qua Nga, rồi chuyển về Việt Nam trồng và nhân giống tại vườn thực nghiệm của Công ty.

Trong số bài viết về cây lược vàng đã đăng báo Người cao tuổi, tôi thấy có bài: “Lược vàng có phải “thần dược”? của Trịnh Tố Long là chặt chẽ: “Dù cây thuốc quý, quý đến đâu cũng phải chờ khoa học cho tiếng nói chính thức. Nhưng bác bỏ quan điểm cây lược vàng không có chức năng chữa bệnh. Đây chỉ là trò lừa bịp...” (KH & ĐS số 112 ngày 16-9-2008) e rằng khó... thuận tai và cũng không thực tế”.

Không biết có phải từ câu mở đầu trên mà Báo Khoa học và đời sống số 34 (2248) ra ngày 19-3-2009 đã đăng bài: “Thần dược lược vàng chứa chất độc gây chết chuột thí nghiệm” của Thuý Nga.

Bài báo trên có khuyên “Tốt nhất trong giai đoạn này người dân không nên sử dụng”.

Đây đúng là ý kiến của nhà khoa học, TS Trịnh Ngọc Điệp. Nhưng theo tôi đây mới là ý kiến cá nhân. Còn chưa có ý kiến của hội đồng khoa học. Nhất là thí nghiệm mới làm một lần, chưa được nhắc lại và tiến sĩ Điệp đã dùng ngay liều lượng cực kì cao: 2.100g dược liệu tươi cho 1kg thể trọng thì chuột chết 50%, đến 3.000g (3kg)/kg, chuột chết 100%. Bài báo viết tiếp: “Tuy nhiên theo TS Điệp, liều sử dụng trên súc vật không phải là liều sử dụng cho người. Mức độ nguy hiểm đối với người phải gấp một nghìn lần như thế” tức là phải 3.000kg (3 tấn).

Theo tác giả Kông Thức (báo Người cao tuổi), tiêu chảy chỉ uống với liều 1 lá/lần. Còn ở quê tôi, hiện tại nhiều người chữa các bệnh như viêm họng, đau dạ dày, viêm khớp đều dùng 3 lá ngày chia làm 3 lần, ăn trước bữa ăn 15 phút. Tôi đã cân thử 3 lá loại to mới nặng 100 gam. Như vậy nếu một người ăn 100g/ ngày. Cứ ăn túc tắc như vậy 1 tháng mới hết 1kg, 1.000 tháng (hay 83 năm) mới hết 3 tấn.

Với điều kiện chất độc của cây lược vàng không bị phân giải trong cơ thể con người, mà được tích tụ 100% thì cũng phải 83 năm chúng ta mới bị chết vì ngộ độc lược vàng. Nghe tôi nói như vậy thì một bà 50 tuổi ở quê tôi nói ngay: “Hay quá, em cứ ăn mỗi ngày 3 lá để chữa bệnh, sau 83 năm nữa ngộ độc chết, em cũng vui lòng!”. Một cụ ông đứng bên cạnh cũng nói: “Không biết đến lúc bà chết, TS Điệp còn sống để xác nhận lời khuyên của vị ấy là chính xác không?!”.

Báo Người cao tuổi số 26 (639) ngày 1-4-2009 lại đăng bài “Cây lược vàng chữa hóc xương” của Nguyễn Đình Lộc. Như vậy, báo Người cao tuổi không những không khuyên nhân dân đừng dùng cây lược vàng, mà vẫn tuyên truyền cho tác dụng chữa bệnh của cây dược liệu quý này.

Từ đó tôi đi sưu tầm các tài liệu nói về cây lược vàng.

1/ Tài liệu thứ nhất ngoài bìa đề: “Cây thuốc quý lược vàng” Tạp chí (30K) hiệu thuốc xanh, sức khỏe và đời sống nhà thuốc Đông y. Theo tài liệu này thì “Cây thuốc này dễ trồng, dễ chế biến chữa được nhiều bệnh, ít tốn kém”.

2/ Tài liệu thứ hai: “Lược vàng” cây thảo dược thuốc quý. Câu lạc bộ Hàm Rồng - Thanh Hóa. Trích in một bài báo của Tạp chí “30K” (LB Nga) “Cây lược vàng huyền bí, chữa bệnh tuyệt vời”.

3/ Báo Bắc Giang thứ ba ngày 17-3-2009 có bài: “Nên cơ nghiệp từ cây dược liệu quý” của tác giả Nguyễn Việt. Bài báo có đoạn viết: “Năm 2008 công ty của chị Hạnh đã triển khai dự án: “Phát triển vùng dược liệu quý tại Việt Nam”. góp phần xóa đói giảm nghèo cho khoảng 80 hộ gia đình nghèo tại các xã Nội Hoàng và Tăng Tiến, trong đó công ty hỗ trợ 60% kinh phí triển khai dự án (khoảng gần 1 tỉ đồng) và bao tiêu toàn bộ sản phẩm (Cây lược vàng hay còn gọi là cây Thài lài Mê-hi-cô).

Các tài liệu và nhiều bài báo đều ca ngợi cây lược vàng là cây dược liệu quý, chữa được nhiều bệnh. Là một người cao tuổi (76 tuổi) qua bài viết này xin có ý kiến: “Một thí nghiệm khoa học cần có mục tiêu chính đáng và thật khoa học chính xác, khách quan, trung thực; báo chí cần thận trọng khi viết bài, đưa tin về kết luận của một cá nhân phải chăng quá vội vàng.

Thân Pha

(Xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. ĐT: 01689.173.263)



Theo nguoicaotuoi




Nhận xét

Bài được nhiều người đọc

Dùng Lược vàng chữa khỏi viêm họng mạn tính và đau nhức chân răng

Cây Lược vàng chữa viêm xoang và viêm đại tràng mạn

Lược vàng chữa bệnh ngoài da và dập, gãy xương gà