Danh tính và sức sống kì diệu của cây Lược vàng

Thư ngỏ gửi PGS. TS. Nguyễn Duy Thuần, tác giả của bài báo “Lược vàng cây thuốc hay cây cảnh?”)

Ngày 15-9-2010, Tạp chí Thông tin Dược cổ truyền Việt Nam đã dành trọn trang bìa đưa ảnh một khóm cây Lược vàng, trên nền đó có dòng chữ "Lược vàng cây cảnh hay cây thuốc?". Tạp chí có bài viết của PGS. TS. Nguyễn Như Thuần, nguyên Viện phó Viện Dược liệu trung ương, Viện trưởng Viện nghiên cứu Y dược Cổ truyền Tuệ Tĩnh với tiêu đề: "Lược vàng cây cảnh hay cây thuốc?".

Để khỏi phụ sự cố gắng của báo Người cao tuổi trong việc đăng tải rất nhiều tin, bài của bạn đọc từ mọi miền đất nước tự giới thiệu về tác dụng chữa bệnh đích thực của cây Lược vàng, tôi gửi bức thư ngỏ này nhằm trao đổi công khai với PGS. TS. Nguyễn Duy Thuần về những gì ông đã viết chưa đúng, chưa đầy đủ về cây Lược vàng.

Để tiện giao lưu với ông Thuần, xin trích nội dung mà ông Thuần viết về cây Lược vàng như sau:

"Thực ra Lược vàng là một loại cây dạng cỏ, có nguồn gốc ở Me-hi-cô, được di thực sang nước Nga, rồi đến Việt Nam... Bản thân cây này cũng là một cây thuốc dân gian với tác dụng cầm máu, chữa bỏng nhẹ... tuy nhiên trước đây không ai coi trọng vì nó cũng như bao cây cỏ vốn là cây cảnh, cây rau. Rồi bỗng nhiên vào đầu năm 2005, có một số người tra cứu trên mạng và lấy được thông tin qua một số tin bằng tiếng Nga. Lược vàng cũng có tên từ đó bởi theo tiếng Nga cây này được viết là Lược vàng...

Vấn đề ở chỗ, có một điều rất lạ ở nước ta, rất nhiều người không để ý hay cố tình không để ý rằng đã là thuốc chữa bệnh thì phải có tư vấn, chỉ định của bác sĩ hay dược sĩ...

Trở lại với cây Lược vàng, từ 2005 đến nay đã có nhiều bài báo, nhiều ý kiến của các nhà khoa học đăng tải trên các tạp chí chính thống của ngành Y tế. Bộ Y tế cũng đã cho phép Viện dược liệu TƯ nghiên cứu và cũng đã có một số ý kiến về cây này. Tựu chung lại là: còn phải nghiên cứu và chắc chắn là không có tác dụng như các lời đồn thổi. Ở dạng dùng tươi như nhấm lá cây thì có tác dụng kháng khuẩn, nên có thể chữa đau răng, chữa viêm họng... Các tác dụng khác như chữa ung thư, chữa tiểu đường, mỡ máu... thì không có. Hiện nay các nhà nghiên cứu đã dừng nghiên cứu cây này (vì không có tác dụng gì đặc biệt).

Chúng tôi cho rằng: Lược vàng là cây cảnh và cũng là cây thuốc dân gian bình thường như bao cây thuốc dân gian khác, nó chỉ được sử dụng chữa bệnh khi đã có nghiên cứu kĩ lưỡng và cụ thể...".

Thưa ông Thuần, đọc bài viết của ông, tôi rất đáng tiếc là trong thời gian từ cuối năm 2008 đến nay trên báo Người cao tuổi, trên mạng có rất nhiều thông tin mới mẻ về cây Lược vàng đã không đến được với ông. Nay xin liệt kê và phân tích những gì đã đề cập trong bài báo viết của ông như sau:

Thứ nhất, về nguồn gốc của cây Lược vàng được ông giới thiệu như vậy, vừa chưa thật chính xác lại rất không đầy đủ.

Cây Lược vàng đã có ở nhiều địa phương nước ta từ rất lâu với tên gọi là cây Lan vòi. Thân cây Lan vòi có mầu xanh. Có một giống cây Lược vàng Nga đang được trồng ở nhiều địa phương với thân cây màu tím. Nếu được trồng tại nơi có ánh nắng suốt ngày thì thân cây Lược vàng Nga sẽ cho mầu tím sẫm. Tại Hà Nội, còn có giống cây Lược vàng Lào. Thân cây Lược vàng Lào có mầu xanh thẫm hơn, còn lá có bản rộng hơn và có một số nếp gấp theo chiều dài của lá. Tại Bắc Giang còn có giống Lược vàng được di thực thẳng từ Mexico về trồng tại địa phương. Như vậy, hiện đang có khá nhiều loại giống cây Lược vàng sinh sôi nảy nở trên mọi miền của Tổ quốc.

Vì vậy, khi đề cập tới nguồn gốc của cây Lược vàng ở nước ta, cần có nghiên cứu toàn diện. Lời giới thiệu của ông Thuần: "Lược vàng là một loại cây dạng cỏ, có nguồn gốc ở Me-hi-cô, được di thực sang nước Nga, rồi đến Việt Nam", chưa phù hợp với thực tế.

Thứ hai, về chuyện dân ta đã biết tới cây Lược vàng Nga, ông Thuần đã dẫn giải hoàn toàn không đúng với thực tế và bản chất của vấn đề.

Ngày 1 tháng 7 năm 2009, báo Người cao tuổi đã giới thiệu một bài báo kể lại tác dụng chữa bệnh của cây Lược vàng được đăng ở một tờ báo nước Nga từ năm 2003. Bài báo có tiêu đề "Lược vàng huyền bí, Lược vàng kì diệu" (đăng trên tạp chí "Sức khỏe và đời sống" "30K" số 20 năm 2003 của nước Nga). Bài báo đó kể lại một số ca chữa bệnh, đem lại kết quả tuyệt vời của cây Lược vàng. Đặc biệt, có kể lại 3 trường hợp bệnh nhân bị ung thư đã bị bệnh viện trả về nhà chờ hậu sự, nhưng đã dùng Lược vàng chữa khỏi bạo bệnh một cách tuyệt vời và huyền bí. Giống cây Lược vàng Nga cũng từ đó di thực vào Việt Nam. Bản dịch cây Lược vàng Nga sang tiếng Việt ra đời từ năm 2003.

Ông Thuần giới thiệu, cây Lược vàng được phát hiện từ trên mạng vào năm 2005 là không đúng. Nội dung bài báo đó đã để lại ấn tượng sâu sắc cho người đọc: Lược vàng là cây thuốc tuyệt vời. Chắc chắn những người Việt Nam ở nước Nga dạo đó đã đem cây Lược vàng về Việt Nam là để giới thiệu cho nhân dân mình một cây thuốc quý, chứ không phải đem về để làm cây cảnh.

Thứ ba, về tên gọi của cây Lược vàng, ông Thuần chỉ có dẫn giải đơn giản như vậy, quả thật là chưa đầy đủ.

Cái tên Lược vàng như được định hình ngay từ bản dịch đầu tiên, nên trong thời gian qua chưa thấy có ý kiến nào bàn lại về tên cây Lược vàng. Nay ông Thuần đem ra giải thích cho người đọc không được đầy đủ, nên cần phải bổ sung. Trong bài "Lược vàng huyền bí, Lược vàng kì diệu" đăng trên báo Người cao tuổi ngày 1 tháng 7 năm 2009 đã đề cập tới nhiều tên gọi khác nhau của cây Lược vàng như cây Tóc tươi, cây Bắp, cây Sâm nhà. Cũng có sách nói tên cây Lược tầu. Năm 2008, Câu lạc bộ Người cao tuổi phường Thành Công có phát hành nội bộ cuốn sách do 2 dịch giả đã từng lưu học tại Nga, sách có tên gọi là cây Ria vàng.

Như vậy, cây Lược vàng đã có khá nhiều tên gọi trong dân gian. Từ góc độ khoa học mà xét, việc gọi cây Lan vòi thành cây Lược vàng như hiện nay là không thỏa đáng.

Thứ tư, về tác dụng chữa bệnh của cây Lược vàng được ông Thuần đề cập trong bài báo chỉ là cầm máu, chữa bỏng nhẹ, chữa đau răng, chữa viêm họng... Các tác dụng khác như chữa ung thư, chữa tiểu đường, mỡ máu... thì không có. Vì vậy, ông lập luận, Lược vàng là cây cảnh và cũng là cây thuốc dân gian bình thường. Điều đó hoàn toàn trái ngược với hiệu quả chữa bệnh thực tế của cây Lược vàng ở nước Nga như bài báo "Lược vàng huyền bí, Lược vàng kì diệu" và cũng rất xa lạ với thực tiễn người dân trên mọi miền của Tổ quốc đã dùng Lược vàng tự mình chữa khỏi hàng loạt thứ bệnh khác nhau, trong đó có cả một số bệnh hiểm nghèo. Điều này đã được khoảng 50 tác giả (kèm theo số điện thoại) phản ánh trên báo Người cao tuổi trong thời gian từ cuối năm 2008 đến nay.

Thực tiễn là chân lí, chính vì vậy mà hiệu quả chữa bệnh đích thực của cây Lược vàng tại nước Nga và ở nước ta trong thời gian qua đã hoàn toàn phủ định sự đánh giá về tác dụng chữa bệnh như ông PGS.TS Thuần đề cập.

Thứ năm, theo ông Thuần thì cây Lược vàng mới du nhập vào Việt Nam từ năm 2005. Thời gian cây thuốc đó mới được xã hội chúng ta biết tới chưa đầy 6 năm. Ông Thuần không công bố được một thông tin liên quan nào về công trình đã nghiên cứu về giá trị Y học của cây Lược vàng. Nhưng ông lại khẳng định: "... chắc chắn là không có tác dụng như các lời đồn thổi... Hiện nay các nhà nghiên cứu đã dừng nghiên cứu cây này (vì không có tác dụng gì đặc biệt)".

Thưa ông, theo những thông tin biết được thì người Nga đã nghiên cứu về tác dụng chữa bệnh cứu người của cây Lược từ gần nửa thế kỉ nay. Người ta đã cho xuất bản biết bao nhiêu đầu sách chuyên nói về cây Lược vàng. Trong đó có cuốn sách giới thiệu Lược vàng chữa được biết bao thứ bệnh cùng quy trình chữa bệnh rất cụ thể. Thậm chí, còn có cả hướng dẫn khi chữa bệnh ung thư thì sử dụng Lược vàng như thế nào? v.v... Đối với Việt Nam, thời gian 6 năm qua có lẽ mới chỉ đủ để bàn thảo, lập kế hoạch nghiên cứu khoa học chuyên ngành Y hoặc làm một số thí nghiệm nhỏ, cũng chưa thấy xuất hiện một công trình, một cuốn sách nào của ngành giới thiệu cho người dân biết về cây Lược vàng. Hiện tại, người dân mới chỉ biết tới duy nhất một cuốn "Cây Lược vàng quý như vàng" do Tổng biên tập Báo Người cao tuổi Kim Quốc Hoa (Chủ biên), Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành trong 4 tháng, cuốn sách này đã phải in nối bản đến lần thứ 7).

Như vậy đó, nhà khoa học - PGS. TS. Nguyễn Duy Thuần có lẽ đã vội vàng và chưa thấy xuất phát từ một căn cứ khoa học nào.

Thứ sáu, ông Thuần khẳng định với người đọc: "Chúng tôi cho rằng: Lược vàng là cây cảnh và cũng là cây thuốc dân gian bình thường như bao cây thuốc dân gian khác, nó chỉ được sử dụng chữa bệnh khi đã có nghiên cứu kĩ lưỡng và cụ thể...".

Thưa ông Thuần, kết quả đã chữa khỏi được nhiều chứng bệnh bằng thảo dược Lược vàng của người dân trên nhiều vùng miền ở nước ta đã được Báo Người cao tuổi đăng tải trong một thời gian dài vừa qua đã phủ định điều ông nhận định. Chưa thấy con số thống kê được công bố về số lượng người dùng Lược vàng để chữa bệnh trong phạm vi cả nước, nhưng rất có thể đã có hàng nghìn, hàng chục nghìn người dân đã tự mình chữa khỏi khá nhiều chứng bệnh bằng cây Lược vàng. Trong số đó, nhiều người đã ở độ tuổi 60~80-90. Thực tiễn cuộc chiến chống chọi với bệnh tật để giành lấy sự sống yên bình cho mỗi thành viên trong cộng đồng đã mách bảo người dân: "Phải tự cứu lấy mình trước khi trời cứu". Hãy "Tự làm bác sĩ". Vì vậy, họ không còn thời gian để chờ đến khi công bố kết quả nghiên cứu về hiệu quả trị bệnh của ngành Y, rồi mới sử dụng Lược vàng để chữa bệnh. Người dân tự chữa bệnh bằng thảo dược Lược vàng đang diễn ra theo quy luật sinh tồn là như thế đấy.

KS. Nguyễn Hiền Nhân
(Số 2 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm,
Hà Nội ĐT: (04)39334628 - 0984148668)



Theo nguoicaotuoi





Nhận xét

Bài được nhiều người đọc

Dùng Lược vàng chữa khỏi viêm họng mạn tính và đau nhức chân răng

Cây Lược vàng chữa viêm xoang và viêm đại tràng mạn

Lược vàng chữa bệnh ngoài da và dập, gãy xương gà