Đẳng cấp sâm Ngọc Linh: 'Đại gia' giữa vựa sâm | Cây thuốc nam

![]() |
Nóc Măng Lùng (thôn 2, xã Trà Linh, H.Nam Trà My, Quảng Nam) chênh vênh bên sườn núi nổi tiếng nhất xã vì nhiều nhà trồng sâm Ngọc Linh và cũng nhiều tỉ phú mới nổi lên. Để vào đến nóc phải mất hàng giờ cuốc bộ. Nên chắc hẳn cũng như chúng tôi, nhiều người sẽ rất ngạc nhiên khi giữa chốn thâm sơn cùng cốc này có những căn nhà lớn, xây dựng kiên cố, lát gạch hoa sáng loáng. Một trong những căn nhà đó là của ông Hồ Văn Du, nguyên là Trại phó Trại dược liệu sâm Trà Linh người được cho là sở hữu nhiều sâm và nắm trong tay nhiều tiền nhất xã Trà Linh.
“Nhờ thời gian làm việc tại trại sâm nên tôi hiểu và tự nhân được giống rồi tìm những nơi phù hợp để gieo. Cũng nhờ cây sâm mà dựng được căn nhà này đấy”, ông Du hồ hởi. Để dựng được căn nhà gỗ lớn nhất vùng, Hồ Văn Du phải cất công sang Kon Tum chọn mua gỗ quý rồi thuê thợ xẻ đem về. Có đủ gỗ dựng thành nhưng vẫn cứ thấy thiếu thiếu, ông Du mới đặt mua vật liệu từ dưới xuôi đưa lên trung tâm xã. Sau đó thuê người gùi tất cả xi măng, cát sạn, gạch đá… về nóc.
|
Cũng nhờ cây sâm mà trong nhà ông Du không thiếu loại nội thất gì. Thậm chí, để có thời gian chú tâm vào việc trồng sâm, ông thuê hẳn một người giúp việc như những gia đình có điều kiện ở phố. Ông Du cho biết, tổng chi phí căn nhà hết khoảng 500 triệu đồng nhưng chỉ cần “15 kg sâm là đủ”.
“Sâm Ngọc Linh có giá cao nhất khoảng 50 triệu đồng/kg, bèo lắm thì cũng được 30 triệu đồng/kg chứ không thể ít hơn được. Bán 15 kg sâm lấy tiền là đủ dựng căn nhà như vầy thôi…”, ông Du chia sẻ và say sưa kể về căn nhà của mình. Thế nhưng, khi đề cập đến chuyện trồng sâm thì ông “đánh trống lảng” và không muốn tiết lộ. Cũng dễ hiểu vì các hộ trồng sâm tại Nam Trà My đã từng bị kẻ xấu nhổ trộm sâm rất nhiều lần, gây thiệt hại hàng chục triệu đồng. Cũng như nhiều người khác việc ông Du rất ái ngại nói về diện tích và vị trí trồng sâm của mình.
Kiếm tiền “không khó”
Ở Trà Linh, ngoài Hồ Văn Du còn có Hồ Văn Dê (em trai ông Du), Hồ Văn Hình cũng là những tỉ phú nhờ đang sở hữu trong tay hàng ngàn gốc sâm Ngọc Linh. Ai cũng dựng được nhà lớn, đào được ao cá, sống sung túc. Mới đây, một nông dân trồng sâm nữa “gia nhập” vào hàng những tỉ phú của xã là Hồ Văn Lượng. Lượng xuất thân từ một gia đình khốn khó. Tuổi thơ của Lượng là những ngày rời xa nóc để sang Kon Tum mưu sinh. Làm đủ nghề nhưng vẫn không đủ sống, thấy người ta vào rừng đào sâm Ngọc Linh tự nhiên để bán, Lượng cũng xin theo. “Đào sâm miết nó cũng hết. Nhờ đào sâm trúng có ít vốn nên tôi chuyển cả gia đình về Nam Trà My sinh sống. Từ đây, tôi tìm cách nhân giống sâm và chuyển qua trồng loại cây này”, Lượng kể.
Lượng thật bụng khi cho biết, hiện anh trồng khoảng 4.000 gốc sâm Ngọc Linh. Trong đó, có khoảng 3.000 gốc 6 năm tuổi chờ thu hoạch. Mới đây, anh đã xuất bán 1.000 gốc sâm gần 10 năm tuổi cho các thương lái tại 2 đầu mối lớn là TP.HCM và Hà Nội. Nhờ có kinh nghiệm thực tế nên mỗi năm, anh có thể nhân ra hàng trăm gốc sâm giống. Vì vậy, vườn sâm của Lượng cứ rộng dần theo thời gian. Theo Lượng, với độ tuổi 10 năm, sâm Ngọc Linh rất được giá và thị trường ưa chuộng. Cứ 1 kg sâm có khoảng 40 gốc, bán ra với mức giá trung bình 30 triệu đồng. 1.000 gốc sâm khoảng 25 kg, Lượng thu vào khoảng 800 triệu đồng. Đó là chưa kể, 3.000 gốc sâm có thể cho củ, chờ xuất bán sẽ mang lại cho gia đình anh hàng tỉ đồng. Cũng vì diện tích trồng sâm ngày càng rộng ra nên anh Lượng phải thuê 10 nhân công về chăm sóc.
Có tiền trong tay, có mối quan hệ với bạn hàng nên từ vùng đất gần như biệt lập này, Lượng đã có những chuyến bay ra Hà Nội để làm việc, tính chuyện làm ăn lớn với đối tác. Có tiền, Lượng chăm lo đời sống kinh tế gia đình tốt hơn và còn tính đến chuyện mua vé máy bay, đưa cả nhà đi chơi xa “cho thoải mái cái đầu”.
Hoàng Sơn - Trần Hanh
Nguồn Thanh niên
Nhận xét
Đăng nhận xét